Ảnh minh họa

Nghiên cứu cơ chế để các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất xanh tiếp cận tài chính xanh, trái phiếu xanh

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án bảo vệ môi trường sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, tổ chức thuận lợi hơn trong xuất khẩu sang thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính.

Tại diễn đàn về bảo vệ môi trường mới đây, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (huyện Đức Huệ, Long An) nêu rõ: việc xuất khẩu hàng nông sang thị trường châu Âu bắt đặt ra vấn đề chỉ tiêu phát thải khí nhà kính (CBAM). Trong lĩnh vực nông nghiệp, có 2 thứ phát thải nhiều khí nhà kính đó là sử dụng năng lượng điện và phân hủy rác thải nông nghiệp, chăn nuôi…

THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI NÔNG NGHIỆP, LÀNG NGHỀ

Để giảm phát thải trong các hoạt động này, theo ông Huy cần phải có công nghệ và vốn đầu tư. Đơn cử như để đầu tư năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất đòi hỏi có hệ thống tích điện. Do đó, ông Huy cho rẳng cần có chính sách tín dụng dài hạn cho đầu tư sử dụng điện tái tạo.

Đối với việc bảo vệ môi trường, thu gom rác thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, cành nhánh cây trồng khi khai thác, rơm rạ…ông Huy cho rằng cần phải có chủ trương đầu tư các máy băm gỗ hoặc thu gom rơm rạ để xử lý thành phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp…, thay vì đốt bỏ, gây phát thải.

Thông tin vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, cho biết hiện nay công tác thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương khi phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình có thể chia thành các nhóm rác tái chế, rác hữu cơ, nhóm khác.

Nghiên cứu cơ chế để các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất xanh tiếp cận tài chính xanh, trái phiếu xanh - Ảnh 1

Trong đó, khuyến khích địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện thu gom… có thể hướng dẫn thu gom, tái chế rác hữu cơ tại gia đình. Đối với khu đô thị cần tập trung thu gom, phân loại, khu nào có khu thu gom sẽ hướng dẫn gia đình thu gom và phân loại xử lý ngay.

Ông Thức cũng nêu thực tế hiện nay trong các mùa vụ thu hoạch lúa, nông dân tại các tỉnh hay đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường không khí. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu để có phương án thu gom xử lý, tái chế tái sử dụng cho các mục đích khác thay vì đốt bỏ. Đối với cành cây rừng cây cao su sau thu hoạch đã có cơ sở để đưa về xử lý hiệu quả. Ví dụ như tại Hải Phòng đã có dây chuyền công nghệ xử lý các loại rác thải cành cây gỗ…

Về vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề, phát thải làng nghề, luật Bảo vệ môi trường đã hướng dẫn, và Luật Luật năm 2020 đã quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ các cơ sở sản xuất kinh doanh thải ra phải xử lý.

Theo ông Thức, ở Việt Nam hiện có khoảng trên 2.000 làng nghề đang phát sinh nhiều chất thải, trong đó có làng nghề truyền thống. Chất thải trong các làng nghề rất đặc thù nên việc xử lý vẫn còn hạn chế.

Trong luật đã quy định, chính quyền các địa phương đang khuyến khích bà con kinh doanh dịch vụ làng nghề phát đầu tư, xử lý chất thải.

Đối với làng nghề phụ gia, nằm trong diện có thể gây ô nhiễm cần đầu tư xử lý chất thải, có công nghệ tái chế thì xử lý hoặc chuyển cho đơn vị khác xử lý.

Hiện nay, các địa phương có chính sách chuyển các hộ kinh doanh cá thể vào khu công nghiệp để xử lý môi trường rác thải. Chính sách này đã được áp dụng rất hiệu quả và xử lý được vẫn đề môi trường…

MỞ ĐƯỜNG CHO CÁC SẢN PHẨM NÔNG LÂM NGHIỆP VIỆT NAM BƯỚC RA THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư công nghệ, vốn xử lý chất thải, rác thải trong sản xuất nông nghiệp… để đảm bảo đạt được các tiêu chí để xuất khẩu các sản phẩm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định rằng về vấn đề này, trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã có quy định và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về nội dung này.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, các quy định trên chưa thực sự bao quát và đầy đủ. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu; phối hợp với các Bộ ngành có liên quan và Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ bổ sung thêm quy định, cơ chế chính sách liên quan đến 2 vấn đề.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Khi được tiếp cận các nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, sẽ là điều kiện rất quan trọng để các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, tổ chức thuận lợi hơn trong xuất khẩu sang thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Khi được tiếp cận các nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, sẽ là điều kiện rất quan trọng để các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, tổ chức thuận lợi hơn trong xuất khẩu sang thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thứ nhất, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Cụ thể, đối với các bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm đóng góp để thu gom, xử lý, tái chế các bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường.

Thứ hai, “chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng các chính sách để có sự tường minh rõ ràng về cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, hoặc các biện pháp tăng cường bảo vệ môi trường trong các dự dự đầu tư, sản xuất kinh doanh… sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Khi được tiếp cận các nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, sẽ là điều kiện rất quan trọng để các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, tổ chức thuận lợi hơn trong xuất khẩu sang thị trường quốc tế, nhất là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách và mong muốn trong năm 2025 có thể sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và các chính sách quy định về tín dụng xanh, tài chính xanh, trái phiếu xanh để góp phần giải quyết căn cốt bài toán bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp.

Đây cũng là điều kiện cần thiết để mở đường cho các sản phẩm nông lâm nghiệp Việt Nam bước ra thị trường thế giới, nhất là thị trường khó tính, ông Duy nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *